
Trong một bán kính chưa đầy 500m tính từ trụ sở Ủy ban Nhân dân TP, gần ba mươi toà nhà cái nào cũng cả trăm tuổi tạo nên một quẩn thể di sản văn hóa và kiến trúc thực thụ. Với Nhà hát Thành phố, Toà án Nhân dân Tối cao, Bưu điện trung tâm, các lãnh sự quán, cụm cảng, công binh xưởng hải quân, bệnh viện, chợ trung tâm, vương cung thánh đường Thiên Chúa giáo, chùa Phật giáo, đền thờ ấn giáo, các khách sạn sang trọng, vv… bao quanh, trụ sở UBNDTP ở vào vị trí đầu não của cả cấu trúc đô thị cân đối, đa dạng và gần các trục giao thông. Vị thế “giao điểm của không gian và thời gian” đó đã phần nào làm nên sự kính trọng của người dân thành phố đối với toà nhà.
Được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1909, về mặt kiến trúc trụ sở UBNDTP là một tác phẩm được trang hoàng lộng lẫy, mang dấu ấn của kiến trúc sư Gardès ở ngoại thất và Ruffier trong nội thất. Ba mươi mét mặt tiền của toà nhà mang những yếu tố tiêu biểu cho phong cách kiến trúc thời Đệ Tam Công hòa (Pháp): tháp chuông, tràng hoa, huy hiệu, cột Hy Lạp cổ… Sự cầu kỳ trong đường nét lộ rõ, minh chứng cho thời kỳ mà việc phô diễn sự phồn vinh là một ưu tiên.
Tuy nhiên nếu toà nhà chính bao gồm tháp chuông và ba tầng trung tâm được xây dựng từ đầu, thì các khối nhà tầng hai chỉ được xây thêm sau đó. Trụ sở UBNDTP ngự trị trên cả khu vực trở thành một tấm phông đầy ấn tượng làm điểm kết cho đại lộ Nguyễn Huệ năm từ bờ sông, song hành với khách sạn Rex và toà nhà của Vietnam Airlines. Công viên tượng Bác phía trước trụ sở UBNDTP được chỉnh trang thường xuyên, được lựa chọn để làm nơi hành lễ, kỷ niệm và suy tưởng, không chỉ bởi các cấp chính quyền mà còn cả dân chúng. Cây xanh, kiểng bon sai, bồn hoa, thảm cỏ, đường đi dạo, ghế đá… bày trí hài hoà khiến công viên trở thành một không gian ấm cúng và thân thiện.
Với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh chính giữa, công viên tiếp nhận hàng trăm người đến mỗi ngày để chụp ảnh lưu niệm, nghiêng mình trước người anh hùng dân tộc, hoặc chỉ đơn giản tìm một phút thư giãn nhẹ nhàng. Việc nhiều cặp tân hôn đến đây âm những khung hình hạnh phúc cho thấy công viên đã thực sự thấm nhuần giá trị nhân văn và tính biểu tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người và thành phố mang tên Người. Cả khu vực là một nhân chứng sống động cho sự hình thành và phát triển của thành phố. Việc chiếu sáng mỹ thuật khu vực nhằm phục hồi và tôn vinh giá trị một phần di sản lịch sử, văn hóa, và kiến trúc của chúng tôi. Điều đó là một bước tiến mới trong thiết kế đô thị địa phương, tạo ra một điểm nhấn đúng nghĩa đối với du khách và cư dân TPHCM. Hơn nữa, với viễn cảnh chỉnh trang đại lộ Nguyễn Huệ thành khu vực dành cho người đi bộ và phục chế Nhà hát thành phố theo thiết kế nguyên thủy, việc chiếu sáng mỹ thuật rất được các nhà quy hoạch đô thị của TPHCM quan tâm.
MÔ TẢ KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH CHIẾU SÁNG
Công trình chiếu sáng mỹ thuật bao gồm tổng cộng 278 bộ đèn. trong đó :
– Số đèn lắp trên mặt tiền: 208
– Số đèn lắp trong công viên: 70
Phân bổ đèn trên mặt tiền:
Ý tưởng: Chiếu sáng chi tiết trên cả 5 cao trình với hai nhiệt độ màu cơ bản 3000oK và 4200oK, tôn tạo những yếu tố đặc sắc của cấu trúc mặt tiền, tìm lại bản sắc của tòa nhà.
– Tráng cả mặt tiền bằng ánh sáng 3000oK, với đèn pha 400W gần trên các trụ chiếu sáng kiểu cổ bên kia đường, và các đèn pha âm đất 70 và 150W trên lề đường trước toà nhà. – Tập trung chiếu sáng phần trung tâm với các đèn công suất thấp (50-70 W) cho ánh sáng chiếu sượt nhẹ từ dưới lên nhiệt độ màu 4200oK đặc tả các mô-típ trang trí ấn tượng (cột đựng, hoa văn đầu cột, phù điêu, huy hiệu, tràng hoa, chóp nhọn). Hàng cột Hy Lạp cổ là nhóm yếu tố được chú trọng nhất.
– Bao trùm tháp chuông bằng ánh sáng 4200oK chiếu từ dưới lên đặc tả các cột đứng và những hoạ tiết của chúng, với đèn pha 70W.
– Tạo một điểm nhấn đặc biệt giữa tháp chuông bằng ánh sáng đỏ thắm – tạo liên kết với màu cờ Tổ quốc trên cao – chiếu từ phía sau lên mặt đồng hồ tròn, với các đèn pha 70 W.
– Tôn vinh lá cờ Tổ quốc bằng 4 chùm ánh sáng 3000oK chiếu từ dưới lên, cho phép bao trùm mọi hướng bay phất phới của lá cờ.
– Tái hiện đường nét ngang (đặc biệt là viền mái ngói) bằng các đèn máng dài 18 và 35W, chiếu ánh sáng 3000oK từ dưới lên. Màu đỏ thật của các mái ngói được phục hồi, ấm cúng trong màn đêm.
– Đánh dấu các bao lơn, vòm cung, và họa tiết đỉnh vòm ở tầng trệt và lầu một, bằng đèn pha công suất thấp (50-70 W) cho ánh sáng 3000oK nhằm hoàn trả hình khối vật thể, đặc biệt là các bao lơn được chiếu ngược sáng từ phía sau. Hướng chiếu sượt từ dưới lên là chính. Các đèn Led gắn trên mặt đất đều được trang bị kính phun cát hoặc lưới chống chói để không làm chói mắt người qua lại.
– Tráng đều không gian bên trong các hành lang bàng đèn pha gắn trên trần, công suất đồng nhất 100W cho ánh sáng 3000oK chiếu từ trên xuống, tạo cảm giác sinh động và ấm áp bên trong toà nhà.
Bố trí ánh sáng trong công viên:
Ý tưởng: Tạo một lớp phông huyền ảo màu xanh lơ làm nền xung quanh tượng đài Bác để tiếp nhận thật nhẹ nhàng cái nhìn và bước chân của thách tham quan, duy trì mức độ chiếu sáng vừa phải trên tượng Bác để bóng dáng Người in rõ trên phông sáng của mặt tiền toà nhà, phục hồi màu sắc sinh động nhưng hài hòa của cây cỏ và không gian đi dạo.
– Tạo cảm giác huyền ảo bằng cách chiếu ánh sáng xanh lơ lên phần đường đi dạo bằng đá phiến dưới chân tượng đài Hồ Chí Minh, với các đèn pha 400 W gắn trên trụ chiếu sáng công cộng.
– Dõi theo hoạt động của các vòi phun nước bằng ánh sáng 3000oK, với các đèn pha 150W trang bị ống phóng quang thông gắn trên cao.
– Tráng nhẹ tượng Bác bằng đèn wall washer ánh sáng 3000oK chiếu từ dưới lên, tìm góc chiếu tối ưu để bộc lộ tính nhân văn của khuôn mặt tượng.
– Chiếu cây xanh bằng đèn pha âm đất 70 W cho ánh sáng 3000oK (bao quanh công viên) và 4200oK (lối đi chính), hoàn trả sắc độ tươi mát cho không gian xanh.
– Đánh dấu lối đi chính bằng các đèn LED xanh lơ công suất rất thấp (4W) âm đất, dẫn hướng một cách nhẹ nhàng và kín đáo đến tượng đài Bác.
Tổng công suất lắp đặt: 15 kW. Tác đông đến môi trường: hệ thống lắp đặt hoàn toàn tuân thú các tiêu chuẩn về tiết kiệm điện năng và sử dụng vật tư phù hợp với môi trường của Việt Nam.